Tel: 450 442-3292

E-mail:

[email protected]



Tác Giả





Lê Dinh

Montreal, Quebec (Canada)






 












Cách nay 10 năm, chúng tôi có viết một bài ngắn trên Nguyệt san Nghệ Thuật (số 29, tháng 8 năm 1996) để giới thiệu cùng quý độc giả Nghệ Thuật tiếng hát của một cô đầm một trăm phần trăm, có tên là Lily Doiron. Trước tháng 4 năm 1994, Lily Doiron - tên thật Valérie Doiron - là một cái tên bình thường cũng như trăm ngàn cái tên khác của những thiếu nữ bản xứ, nhưng sau cuộc thi Giải Cung Vàng I năm 1995 tại Montréal, Lily Doiron được giới thích ca nhạc Việt luôn nhắc nhở vì cô đã chiếm giải khôi nguyên trong cuộc tuyển lựa ca sĩ này để rồi từ đó tiếng hát của cô càng ngày càng bay cao trong cộng đồng người Việt hải ngoại ở khắp nơi.

Có nghe giọng ca Lily từ ngày khởi đầu sự nghiệp ca hát, có lẽ quý độc giả cũng đồng ý với chúng tôi rằng tuy là một người ngoại quốc nhưng cô phát âm tiếng Việt rất rõ ràng, chính xác, không những riêng cho một miền nào, mà cho cả 3 miền đất nước. Cô hát những bài âm hưởng cổ nhạc Nam phần hay những bài dân ca miền Nam như một cô gái miền Nam. Minh chứng bằng những ca khúc của Bắc Sơn như «Bông bưởi hoa cau», «Bông bí vàng» rất khó hát với những chỗ láy lên xuống cách quãng 3, quãng 5 hay cả một bác độ, thế mà cô vẫn hát trơn tru, ngọt ngào. Khi trình bày một bài viết về miền Trung, cô hát với giọng Trung chững chạc, không pha, không lai Nam hoặc Bắc. Còn thông thường khi một bài hát cần trình bày bằng giọng Bắc thì cô phát âm đúng giọng Bắc, không thua gì những ca sĩ nổi tiếng đương thời. Một điểm đáng chú ý là cách nay 10 năm, Lily Doiron hát thì rất hay, nhưng về nói, cô chỉ nói được vài câu tiếng Việt ngăn ngắn thông thường (Cám ơn, chào anh, anh mạnh giỏi...) nhưng bây giờ, 10 năm sau, đối diện với Lily, quý vị sẽ rất ngạc nhiên khi nghe Lily nói tiếng Việt như người Việt với cách dùng những danh từ văn hoa, bóng bẩy, đôi khi còn có tính cách hài hước, và nếu quý vị đừng nhìn người mà chỉ nghe cô nói, quý vị sẽ không nghĩ cô là một người ngoại quốc nguyên gốc. Một điều ngạc nhiên thích thú khác nữa là Lily còn ca được vọng cổ, nghe Lily nói lối rồi xuống xề, không ai tưởng tượng nổi rằng một cô đầm chính hiệu mà lại ca vọng cổ ngọt xớt như Hương Lan, như Út Bạch Lan...

Có một lần chúng tôi tổ chức một đêm văn nghệ và một nữ ca sĩ có tên trong chương trình bất ngờ không thể có mặt. Lily Doiron đã có hai bài hát trong phần của cô rồi, nhưng vì quá cấp bách, không thể mời thêm một nữ ca sĩ khác vào giờ chót để thay người vắng mặt, tôi nói với Lily hát thêm một bài nữa, bài hát mà cô ca sĩ vì vắng mặt nên không hát được. Tuy không còn nhiều thì giờ để tập dượt, nhưng Lily cố gắng làm quen với bài hát này, tuy là cũ nhưng mới đối với cô và ngạc nhiên thay, chỉ tập đôi ba lần là cô hát thong dong, suôn sẻ. Đêm trình diễn, cô lột hết tinh thần ca khúc này một cách tốt đẹp trọn vẹn ngoài ý muốn của tôi và được khán giả nhiệt liệt tán thưởng, không tiếc lời khenngợi.

Cách nay khoảng 3 năm, Lily Doiron có thực hiện 2 CD có tên «Giai điệu quê hương» và «Thương về mẹ» với tiếng hát của cô, trình bày rất độc đáo tất cả 20 ca khúc âm hưởng dân ca 3 miền, sau nhiều năm kinh nghiệm khi đi hát đó đây. 2 CD này được giới ngưỡng mộ nhiệt tình ủng hộ, tuy cô không khoe khoang, không quảng cáo ồn ào - bởi hữu xạ tự nhiên hương - người ta nghe tiếng cô nên tìm hỏi mua CD của cô, giản dị chỉ có vậy thôi. Đặc biệt là khi buổi phỏng vấn cô do cô Thy Nga của Đài RFA thực hiện vừa phát thanh xong thì trong Website của cô (www.lilydoironmusic.com) có rất nhiều người ngưỡng mộ tìm mua cho được và cho đến nay, nghe nói cả 4,000 đĩa đã bán hết. Cũng kể từ đó, cô được nhiều nơi rất xa trên các tiểu bang nước Mỹ cũng như ở Canada mời đi hát và tiếng hát Lily Doiron là một thực chứng trong giới ca nhạc ở hải ngoại.

Cuối năm 2006, Lily vừa thực hiện thêm 2 CD mang tên «Ai ra xứ Huế» và «Tóc mây», nghe qua tên CD, chúng ta cũng có thể đoán ra 2 CD này thuộc loại nào. Sở trường của Lily Doiron vẫn là những ca khúc âm hưởng nhạc dân gian, dĩ nhiên CD «Ai ra xứ Huế» gồm những bài trong chiều hướng đó, như Chuyện tình sông Hương, Chuyện một chiếc cầu đã gãy, Nước trôi qua ghềnh, Tương tư, Tôn nữ còn buồn, Năm cụm núi quê hương, Gửi Huế, Lạy mẹ con đi, Bài thơ Tôn nữ, Ai ra xứ Huế, còn CD «Tóc mây» là một thể nhạc khác, tuy không phải là loại sở trường của cô, nhưng cô trình bày một cách điêu luyện, quyến rủ, thật đáng khen ngợi. Trong CD «Tóc mây» có những bài Tóc mây, Kiếp phiêu bồng, Mắt nai, Mùa thu Hà nội, Vào mộng, Cô bé dỗi hờn, Chiều Xuân, Trái tim ăn năn, Tình xót xa thôi và Hạnh phúc nơi nao. Cho nên đến nay, chúng ta mới biết Lily Doiron là một ca sĩ đa năng da điện, đưa cô một loại nhạc nào, mới hay cũ, nhịp điệu nào, Tây phương hay dân tộc, thể điệu nhanh hay chậm, cô đều diễn tả nội dung bài hát một cách hoàn nguyện, đúng theo ý muốn của tác giả. Cũng cần nói thêm là trong 2 CD mới này, phần hòa âm với những nhạc khí cổ truyền được chăm sóc thật kỹ lưỡng, mới lạ, rất lôi cuốn người nghe.

Tiến xa hơn nữa, Lily Doiron còn thực hiện thêm một CD thứ 5 mang tên «Cắt cỏ» và một DVD (đầu tiên) để cống hiến cho khách ngưỡng mộ hình ảnh của một cô gái Canada trong y phục truyền thống VN, với chiếc áo dài và chiếc áo bà ba trên sông nước đồng quê VN hay nơi lăng tẩm Huế. Hai tác phẩm này sẽ được ra mắt đồng hương vào mùa hè năm 2007 và đồng thời cũng để đánh dấu bước đầu thành lập trung tâm sản xuất của chính cô, có tên là Lily Productions Inc. Chúng ta chờ xem DVD đầu tay của Lily Productions, có lẽ sẽ hứa hẹn nhiều bất ngờ thú vị.

Sở dĩ mà ngày hôm nay Lily Doiron nói và hát tiếng Việt như một người VN chính cống như vậy là nhờ ngoài năng khiếu sẵn có, Lily còn được sự chỉ dẫn của anh Lê Quang Duy, chồng cô, và cũng là người hoạch định đường hướng nghệ thuật của Lily cùng sắp đặt mọi kế hoạch để đưa Lily tiến xa hơn trên đường ca nhạc. Tuy cũng không dư dả gì về mặt tài chánh, nhưng vì tình thương người, anh Lê Quang Duy có dự tính sau khi tiêu thụ hết 2 CD «Ai ra xứ Huế» và «Tóc mây», anh sẽ trích ra một số tiền để giúp đỡ các trẻ Việt Nam bị bán sang Kampuchia. Thật đáng khâm phục thay lòng nhân đạo của anh.

Vườn hoa tân nhạc Việt Nam hải ngoại, ngoài Lynn và Dalena, có thêm một bông hoa nữa điểm tô cho thật đậm đà cảnh sắc, cho thêm rực rỡ muôn màu. Cũng phải thôi và công bằng thôi, có nhiều ca sĩ Việt thi thố tài mình qua những bản nhạc ngoại quốc, đem tiếng hát của mình tô điểm cho vườn hoa xứ lạ, nhưng đừng «có the quên lụa, có vàng quên thao». Ngược lại, vườn hoa nước mình cũng có những người ngoại quốc cùng nhau phụ sức vun phân, tưới nuớc. Có qua thì có lại, mỗi người một vẻ, góp phần đưa đến cho giới thưởng ngoạn những sắc thái thay đổi, hương vị mới lạ trong giọng hát, trong cách diễn tả hầu tạo nên một món ăn tinh thần thật ngon, thật lôi cuốn để cống hiến cho người thưởng thức. Xin cảm ơn Lily, người con gái mà «tiền kiếp là người Việt Nam» - như lời cô nói - xin cảm ơn Lê Quang Duy, cảm ơn đôi uyên ương văn nghệ cùng nhau đem lại cho đồng hương tỵ nạn những giờ phút êm đềm, thư thả, quây quần bên nhau trong mái gia đình ấm cúng, quên đi phần nào kiếp sống vui ít buồn nhiều của cuộc đời tỵ nạn.






Mục Lục | | Liên Lạc

 


Free Web Template Provided by A Free Web Template.com